MỞ ĐẦU
Với chính sách ưu đãi rất lớn cho sinh viên học sau đại học bậc thạc sĩ, tỉnh Ontario tại Canada cho phép sinh viên học Master & MBA được xin định cư ngay sau khi tốt nghiệp mả không cần có việc làm. Tham khảo thêm bài viết: Tại sao chọn Canada học sau đại học mà không phải Mỹ, Anh, & Úc?
PROFILE TÁC GIẢ
Hướng dẫn này được thực hiện bởi Mr. Quỳnh Nguyễn, Founder của Viet Professional in Canada và Admin của Hội Du học sinh Canada. Quỳnh Nguyễn đã trải qua quá trình xin học vào các chương trình Master/MBA tại các trường top Canada. Anh theo học và tốt nghiệp MBA tại Schulich School of Business (Toronto – Ontario – Canada). Ngoài ra, anh đã làm việc cùng nhiều sinh viên xin học vào các chương trình Master tại Canada & USA thông qua các chương trình mentor miễn phí hoặc các chương trình tư vấn của NEWCITIZEN. Quỳnh Nguyễn là mentor tại cộng đồng www.VietMBA.com và Viet Professionals in Canada (VietPro). Qua VietMBA và VietPro, anh nhận mentee tư vấn miễn phí hàng năm xin học vào các chương trình Master chất lượng tại Canada và USA. Với kinh nghiệm bản thân và kinh nghiệm tích luỹ từ hàng trăm hồ sơ thành công vào các chương trình Master/MBA tại Canada và USA, Quỳnh Nguyễn cung cấp hướng dẫn toàn diện sau đây giúp các bạn sinh viên xin học Master và MBA chuẩn bị tốt để tự có thể làm hồ sơ thành công khi có thời gian và sự chuẩn bị chu đáo.
CHUẨN BỊ
Việc chuẩn bị hồ sơ xin học Master tại Canada nói riêng và các nước phát triển khác như Mỹ, Úc, Anh có nhiều điểm giống nhau. Tuy nhiên, hồ sơ xin học thạc sĩ – Master & MBA thuộc loại khó nhất trong các loại hồ sơ xin học, bao gồm cao đẳng, đại học, và Master. Sinh viên có kế hoạch du học bậc Master cần bắt đầu tìm hiểu trước ngày nhập học từ 1-2 năm để có thể tự làm hồ sơ.
Một bộ hồ sơ xin học bậc thạc sĩ (Master & MBA) có thể bao gồm các thành phần sau:
1. Hồ sơ bắt buộc
1.1. Official transcript
Bảng điểm và bằng tốt nghiệp chính thức (Official transcripts) của bậc học đại học trước đó luôn được yêu cầu. Thường các trường ở Canada, Mỹ, Anh, Úc yêu cầu official transcripts được gửi trực tiếp từ trường đại học cũ đến trường. Một số trường có thể chấp nhận bản scan hồ sơ khi nộp online nhưng vẫn bắt buộc phải có official transcripts trước hoặc sau khi hoàn thành việc nộp đơn. Sinh viên cũng có thể xoay sở để tự gửi transcripts đúng yêu cầu.
1.2. Chứng nhận ngoại ngữ
Chứng minh khả năng ngoại ngữ được thể hiện thông qua chứng chỉ IELTS, TOEFL, hoặc xác nhận việc học bằng tiếng Anh trong thời gian học đại học. Các chứng nhận này cần được upload online và đồng thời yêu cầu trực tiếp Hội Đồng Anh hoặc ADP gửi đến cho trường. Điểm ngoại ngữ tối thiểu yêu cầu thường khoảng 6.5-7.5 IELTS Academic hay 95-100 TOEFL iBT. IELTS là chứng chỉ chính được dùng xin học (và cả xin định cư) tại Canada, Úc và Anh. TOEFL là chứng chỉ được dùng phổ biến ở Mỹ. Tuy nhiên nhiều trường chấp nhận cả hai loại chứng chỉ ngôn ngữ này.
1.3. GMAT hoặc GRE
Thông thường các chương trình liên quan đến kinh doanh (M.B.A, Master of Finance, Master of Accounting, Master of Marketing,…) yêu cầu GMAT. Các chương trình Master về kĩ thuật hoặc khoa học xã hội thường yêu cầu GRE. Tuy nhiên, có một số trường có ngoại lệ chấp nhận cả GMAT và GRE. Hầu hết chương trình MBA Canada yêu cầu GMAT, một số ít không yêu cầu. Trường càng nổi tiếng và chương trình Master/MBA chất lượng cao thì yêu cầu GMAT cao. Với các ngành xã hội và kĩ thuật, tỉ lệ các chương trình yêu cầu GRE có thể không cao như các chương trình kinh doanh yêu cầu GMAT. Tuy nhiên do điểm trung bình (GPA) của các sinh viên học tại Việt Nam không cao so với các nước khác, sinh viên Việt Nam nên chuẩn bị GRE để có thể so sánh được với sinh viên nước ngoài.
Tương tự IELTS, các chứng chỉ GMAT và GRE cần được gửi cho trường chính thức (có thể chọn trường gửi lúc làm bài test hoặc sau đó).
1.4. Essays – Statement of Interest – Letter of Intent
Mặc dù được gọi bằng nhiều tên khác nhau, đây là các bài luận, thư trình bày dự định, hoặc mục tiêu nộp khi xin học. Mỗi trường có thể có yêu cầu khác nhau và cùng một trường có thể khác nhau theo mỗi kì tuyển sinh. Với các chương trình MBA, sinh viên thường được hỏi các vấn đề như: Tại sao học MBA (Why MBA), Tại sao học thời điểm này (Why now) và Tại sao chọn trường ABC (Why ABC School)?
Với các chương trình Master về kĩ thuật hoặc xã hội, thường sinh viên sẽ được yêu cầu trình bày các chù đề quan tâm, kế hoạch học tập, mục tiêu,…
Có một số tiêu chuẩn để viết các essays này nhằm đánh bóng được hồ sơ. Điểm khó lớn nhất khi viết các essays này bao gồm: tìm hiểu kĩ về chương trình và trường, đặc điểm của trường, văn hoá của trường, các giáo sư nổi tiếng, các đặc trưng trong sinh viên tại trường, thậm chí cần đọc nhiều sách, xuất bản của giáo viên tại trường và có nhận định về các tác phẩm đó. Ngoài ra, các essays thường được yêu cầu giới hạn về số từ, ví dụ 1000 từ, 500 từ, hoặc có thể 250 từ. Tuy nhiên sinh viên thường cần biết cách bố cục để có thể đánh bóng hồ sơ trong khi vừa thoả yêu cầu số từ, vừa trả lời được câu hỏi của trường, và lồng vào sự tìm hiểu của bản thân vào essays.
Mỗi trường yêu cầu từ 1-5 essays và tổng khối lượng viết có thể chỉ từ 500-3000 từ. Tuy nhiên để viết được một bộ essays nhằm đánh bóng tốt hồ sơ cần chuẩn bị và thực hiện vài tháng hoặc cả năm. Sinh viên cần chú ý ghi chú ra giấy lưu lại các câu chuyện hay hoặc các vấn để đặc biệt để có thể lấy nguồn cảm hứng cho việc viết essays. Việc viết essays cũng cần được làm đi làm lại nhiều lần và nên được những cựu sinh viên tại những trường sinh viên xin vào hoặc cựu sinh viên đã theo học cùng thành phố, cùng vùng hoặc tại Canada góp ý sửa chữa. Chính người trong cuộc và trải qua chương trình Master/MBA tại Canada (hoặc USA) sẽ có những đánh giá khác biệt làm cho sinh viên có thể viết lại toàn bộ essays dù đã được sinh viên chau chuốt kĩ lưỡng.
Với những sinh viên có nhu cầu xin học bổng, thường sẽ cần thêm một essay trình bày với hội đồng xét học bổng.
Tips tìm người huớng dẫn: Nhiều cựu sinh viên Master và MBA tại Canada thường có công việc riêng và khá bận rộn, sinh viên nên chủ động kết nối trước và khéo léo nhờ vả để được hướng dẫn. Họ có nhận hướng dẫn hay không là tuỳ vào sở thích của họ và chủ yếu do cách tiếp cận của sinh viên. Nếu không thể tự làm tốt hồ sơ và không tìm được người hướng dẫn theo sát hồ sơ, sinh viên có thể tìm đến một số dịch vụ tư vấn phù hợp.
1.5. Thư giới thiệu
Các chương trình Master và MBA có thể yêu cầu từ 2-3 thư giới thiệu. Tuỳ yêu cầu mỗi chương trình, người giới thiệu có thể là từ nguồn academic (tức giáo sư – giảng viên cũ bậc đại học) hoặc professional (tức đồng nghiệp và sêp tại công ty). Người viết thư cần nắm rõ hoặc được hướng dẫn cách viết thư giới thiệu và cần dành một số thời gian nhất đáng kể để viết thư giới thiệu giúp đánh bóng hồ sơ sinh viên. Thư giới thiệu không tốt sẽ tác động rất lớn đến hồ sơ xin học và ngược lại.
2. Hồ sơ khác và theo tình huống
2.1. Liên hệ giáo sư, cựu sinh viên, và nhân viên trường
Một số chương trình Master có thể yêu cầu sinh viên liên hệ trước với giáo sư để xin theo sự giám sát của giáo sư khi vào học. Ngoài ra, sinh viên cũng có thể cần liên hệ cựu sinh viên và các nhân viên trường để tìm hiểu thêm thông tin và đề cập trong hồ sơ khi xin vào trường. Sinh viên cần tìm hiểu kĩ về profile của những người cần liên hệ trước khi liên hệ để có sự trao đổi hiệu quả.
2.2. Resume / CV
Nhiều chương trình Master (và hầu hết chương trình MBA) yêu cầu sinh viên nộp resume. Resume nên tóm tắt trong 1-2 trang và nên trình bày theo văn hoá tại trường và quốc gia xin học. MỘt số chương trình MBA Tier 1 (nhóm hạng 1) có sẵn mẫu để cung cấp resume. Trong trường hợp đó sinh viên nên theo mẫu của trường.
2.3. Portfolio
Một số ngành trong chương trình Master (ví dụ Marketing, Design) có thể yêu cầu portfolio các công việc trước đó thể hiện một số loại kĩ năng và năng lực cụ thể. Sinh viên cần có sự chuẩn bị từ sớm để soạn các portfolio này.
2.4. Các chứng chỉ nghề nghiệp
Sinh viên nên cung cấp các chứng chỉ nghề nghiệp quan trọng để nâng cao tính cạnh tranh của hồ sơ.
2.5. Các giải thưởng và hoạt động ngoại khoá
Các giải thưởng và hoạt động ngoại khoá cũng góp phần làm nổi bật sinh viên. Đây chính là phần gây khác biệt giúp sinh viên nổi bật giữa một đám đông chỉ có hồ sơ học tập. Ngay cả khi không có nhiều giải thưởng và hoạt động ngoại khoá, sinh viên cần biết làm nổi bật những tố chất và việc làm mình có tham gia dú ít hay nhiều.
2.6. Phỏng vấn (interview)
Có hai dạng phỏng vấn là bằng video hoặc trực tiếp qua phone, Skype. Với video interview sinh viên sẽ được hỏi một số câu hỏi ngắn online và trả lời trong thời gian vài phút. Với loại hình phỏng vấn trực tiếp, thời gian có thể kéo dài từ 15-60 phút tuỳ tình hình thực tế và độ quan tâm của trường với sinh viên.
KẾ HOẠCH XIN HỌC
Đa số các chương trình Master và MBA mở vào học kì tháng 09 hàng năm. Một số ít chương trình có mở học kì tháng 01. Deadline của các chương trình Master cho học kì chính tháng 09 khác nhau tại mỗi trường và có thể nằm trong khoảng tháng 1 đến tháng 3 trước đó. Thời điểm trường nhận hồ sơ cho kì tháng 09 thường vào tháng 10 năm trước. Do đó, sinh viên nên có sự chuẩn bị đầy đủ từ sớm, tốt nhất là trước tháng 10 để nộp vào nhằm có sự cạnh tranh tốt nhất. Một số trường vẫn có thể nhận hồ sơ sau deadline cho đến khi nhận đủ lượng sinh viên.
A. Bước 1: Tìm hiểu trường và chương trình học
Việc tìm hiểu cần làm từ trước 12-24 tháng trước ngày nhập học mong muốn.
B. Bước 2: Chuẩn bị các chứng chỉ ngoại ngữ và kì thi chuẩn hoá
Sau khi tìm hiểu các yêu cầu của trường (Ví dụ thông thường yêu cầu IELTS 7.0, một số ít là 6.5; hoặc yêu cầu GMAT tối thiểu 550 hay GMAT trung bình khoảng 650), sinh viên cần xác định được một số trường phù hợp để có mục tiêu đầu tư cho ngoại ngữ và GMAT/GRE. IELTS nên có đủ điểm vào khoảng 14 tháng trước ngày nhập học để còn thời gian luyện GMAT/GRE. Sau khi đạt IELTS 6.5-7.0, sinh viên sẽ cần trung bình khoảng 200-300 giờ luyện GMAT/GRE tập trung để có kết quả tốt.
Chú ý: Yêu cầu GMAT/GRE rất phổ biến ở các trường Canada và Mỹ nhưng ít phổ biến hơn ở các trường của Úc và Anh.
C. Bước 3: Chuẩn bị hồ sơ online và essays
Sinh viên có thể chuân bị trước essays và dành thời gian 4-8 tuần trước khi nộp để chỉnh sửa cẩn thận và hỏi ý kiến người hướng dẫn trước khi nộp vào hệ thống online.
D. Bước 4: Xin thư giới thiệu
Trong thời gian viết essay, sinh viên đồng thời có thể nhờ người viết thư giới thiệu trước để thực hiện đồng bộ.
E. Bước 5: Hoàn thành nộp hồ sơ và chuẩn bị phỏng vấn
Sau khi nộp hồ sơ, sinh viên có thể được mời phỏng vấn trong thời gian 1-8 tuần sau đó. Thời gian xét đơn cũng có thể mất từ 2-12 tuần sau khi hoàn thành mọi thủ tục.
F. Bước 6: Chuẩn bị hồ sơ xin Visa và Study Permit
Với kết quả được nhận vào học Master từ một trường tại Canada, sinh viên có thể nộp kèm hồ sơ xin visa. Học Master là một việc có mục đích nâng cao trình độ rõ ràng nên không có nhiều khó khăn khi chứng minh với Visa officer hay Lãnh Sự Quán. Hầu hết hồ sơ visa du học Master sinh viên có thể tự làm và có tỉ lệ thành công rất cao. Chứng minh tài chính của sinh viên nên chứng minh được tiền tiết kiệm và thu nhập của gia đình có thể trang trải học phí và sinh hoạt phí khi học ở Canada mà không cần đi làm thêm.
Nếu có khó khăn với việc làm hồ sơ visa du học Master và MBA, sinh viên có thể tham khảo các bài hướng dẫn tại OTop10 và website www.duhoc.ca để tự làm hồ sơ. Ngoài ra việc tư vấn miễn phí thường được thực hiện tại các cộng đồng Facebook như Viet Professionals in Canada và Hội Du Học Sinh Canada.
NHỮNG LỖI THƯỜNG GẶP
1. Bắt đầu tìm hiểu muộn
Sở dĩ sinh viên cần thực hiện việc chuẩn bị từ sớm chủ yếu là do cách tuyển sinh ở Canada, Mỹ, Anh, và Úc khác với cách tuyển sinh tại Việt Nam. Deadline nộp hồ sơ thường hết trước thời điểm nộp đơn khoảng 6-8 tháng. Nhiều sinh viên muốn nhập học và kì tháng 09 nhưng đến trước deadline mới tìm hiểu vội vàng nà nộp bộ hồ sơ không tốt do thiếu chuẩn bị.
2. Cho rằng chỉ cần đạt các yêu cầu tối thiểu của trường yêu cầu thì sẽ được nhận
Đây cũng là điểm khác biệt của cách tuyển sinh ở Việt Nam khác với Canada, Mỹ, Anh và Úc. Ở Việt Nam chỉ cần đạt mức điểm sàn là có thể được nhận vào học theo qui chế tuyển sinh có điểm sàn. Ở các nước phát triển, yêu cầu tối thiểu (VD: GPA 75% hay B, GMAT 550) chỉ là yêu cầu tối thiểu để nộp đơn. Hầu hết những người nộp đơn thường đạt các tiêu chuẩn này nên không có gì bảo đảm sẽ thành công.
3. Dành ít thời gian đánh bóng hồ sơ
GPA, kinh nghiệm làm việc, GMAT/GRE là những yếu tố cố định, khó thay đổi. Tuy nhiên, các bài luận, thư giới thiệu, interview là những thứ có thể thay đổi và làm tốt hơn nếu đầu tư công sức và thời gian. Đồng thời đây cũng là những điểm giúp sinh viên nổi bật trong tất cả những người nộp hồ sơ vào cùng chương trình. Dành quá ít thời gian cho các yếu tố này sẽ không tạo được bộ hồ sơ tốt nhất.
LỜI KẾT
Việc chuẩn bị hồ sơ du học bậc Master và MBA tại các trường Canda và Mỹ cần một sự đầu tư lớn cả về tài chinh, công sức và thời gian. Tuy nhiên, việc tự làm hồ sơ xin học Master và MBA có thể thực hiện được nếu sinh viên đầu tư hợp lí để chuẩn bị. Các trường chất lượng và xếp hạng cao sẽ yêu cầu sự đầu tư gấp nhiều lần các trường kém hơn. Những sinh viên giỏi, nổi bật về thành tích trong nghề nghiệp hoặc có các giải thưởng lớn, hoạt động ngoại khoá hay, GMAT/GRE nổi bật sẽ có nhiều lợi thế. Dù hồ sơ làm có thể chưa đạt tốt nhất vẫn có thê được nhận. Với các sinh viên chưa xuất sắc, cần đầu tư vào GMAT/GRE, essays, interview, thư giới thiệu, và đánh bóng hồ sơ qua việc trình bày các hoạt động ngoại khoá.
Trong điều kiện không có đủ thời gian, không tìm được người huống dẫn chuẩn bị và muốn được sự tư vấn của những người có kinh nghiệm sinh viên vẫn có thể tìm đến các dịch vụ tư vấn chuyên sâu hoặc trọn gói.
Bên cạnh việc cung cấp các thông tin tư vấn miễn phí giúp sinh viên tự chuẩn bị hồ sơ, NEWCITIZEN có các dịch vự tư vấn chuyên sâu vào bảo đảm kết quả xin học Master. Với các dịch vụ bảo đảm, sinh viên sẽ có thể nhận hoàn phí dịch vụ 100% nếu hồ sơ xin học không thành công. Liên hệ NEWCITIZEN tại info@newcitizen.ca và www.duhoc.ca để được tư vấn miễn phí hoặc chuyên sâu.