Chương trình co-op ở Canada
Một số trường đại học, cao đẳng ở Canada có chương trình co-op. Tuy nhiên cần biết rằng được nhận vào một chương trình co-op không bảo đảm việc sinh viên có thể làm việc co-op. Trường có thể tạo điều kiện hướng dẫn sinh viên xin co-op, giới thiệu các công ty tuyển co-op, là cầu nối lôi kéo công ty đến trường tuyển. Tuy nhiên, có thể làm co-op hay không còn tuỳ thuộc vào việc có bao nhiêu vị trí mở ra và bao nhiêu sinh viên của trường cùng xin vào. Ngay cả những trường có chương trình co-op mạnh nhất Canada như McMaster, Wilfrid Laurier cũng vẫn có một lượng lớn sinh viên trong chương trình co-op không tìm được việc co-op. Nếu không chủ động, chuẩn bị kĩ năng để cạnh tranh, cơ hội làm co-op là hoàn toàn không bảo đảm được. Nói cách khác, trường không bảo đảm sẽ giao việc co-op cho sinh viên mà chĩ hỗ trợ thuận lợi để sinh viên tiếp cận các cơ hội co-op.
Cũng cần chú ý phân biệt một số công việc co-op không lương. Trong khi một số việc làm co-op không lương có thể hữu ích cho sinh viên trong việc tích luỹ kinh nghiệm, đa số loại hình co-op không lương là hình thức công ty tận dụng nhân sự miễn phí để duy trì hoạt động. Những công ty này sẽ khó tạo cơ hội việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp, kinh nghiệm từ loại hình co-op này cũng ít được các công ty khác đánh giá cao. Một ví dụ thường thấy là loại hình co-op không lương về bán hàng, mở rộng thi trường. Loại hình này có thể chia hoa hồng cho sản phẩm / dịch vụ bán được nhưng không trả lương cố định. Công ty thì luôn tuyển số lượng không hạn chế vào mọi thời điểm. Công ty cơ bản xem các nhân viên này như một phương tiện tiêu thụ sản phẩm hỗ trợ, không thuộc trách nhiệm của công ty và không tốn kém để duy trì.
Ngược lại, chương trình co-op đúng nghĩa có nhiều lợi ích như sau:
– Được làm việc hưởng lương (dù có thể thấp) trong lĩnh vực chuyên môn mình đang học. Và vì được trả lương, công ty tuyển dụng sẽ sử dụng kĩ năng của sinh viên hợp lí hơn.
– Được kết nối đến công ty, là một phần hữu cơ của công ty, hiểu văn hoá công ty, có cơ hội chứng tỏ năng lực, mở ra cơ hội xin việc trở lại công ty sau khi tốt nghiệp.
– Áp dụng kiến thức vào công việc thực tế, tự khám phá và cải thiện kĩ năng qua công việc. Khi quay trở lại học tập, kinh nghiệm co-op giúp việc học thực tế và tập trung hơn vào những gì thị trường và nhà tuyển dụng cần.
Tóm lại, việc xin vào một chương trình co-op và tìm được công việc co-op đúng nghĩa sẽ giúp ích rất nhiều cho sinh viên khi tốt nghiệp. Tuy nhiên sinh viên cần hiểu rõ bản chất của công việc co-op và khả năng mình sẽ kiếm được việc co-op từ trường. Ngoài ra, nếu không học các chương trình co-op, sinh viên vẫn có thể tự nỗ lực xin làm thực tập (internship) dưới hình thức hưởng lương, hoặc miễn phí, cho các tổ chức uy tín để có được các lợi ích tương tự từ việc làm co-op. Để có thể tìm được co-op hoặc cơ hội thực tập, sinh viên cần được tư vấn nghề nghiệp và chuẩn bị các kĩ năng cần thiết cho công việc bên cạnh việc chọn học chương trình phù hợp, ở vùng phù hợp, và học tốt ở trường.