Cập nhật thay đổi quan trọng trong chương trình định cư Canada – Express Entry áp dụng vào 19.11.2016
Immigration, Refugees and Citizenship Canada (IRCC) ra thông báo về một số thay đổi trong cách tính điểm hệ thống Express Entry. Đây là một bước quan trọng đầu tiên của Đảng thắng cử trong nỗ lực cải thiện hệ thống định cư của Canada cũng như tạo điều kiện cho những công dân quốc tế đang du học và làm việc tại Canada. Những sinh viên và professionals này là nhóm được hưởng lợi lớn nhất từ những thay đổi sẽ chính thức được áp dụng vào ngày 19.11.2016.
Bài viết sau đây tổng kết lại các thay đổi của IRCC đồng thời có kèm các phân tích chuyên môn của Quynh Nguyen về tác động cũng như ảnh hưởng của những thay đổi này đến những nhóm đối tượng liên quan.
A. Tóm tắt những thay đổi quan trọng nhất được thể hiện ở các điểm sau:
1. Học tập tại Canada: Bằng cấp tại Canada sẽ có điểm cao hơn bằng cấp tương đương ngoài Canada 15 hoặc 30 điểm.
2. Việc làm: Job offers hợp lệ sẽ có thể giúp cộng 50 hoặc 200 điểm.
Highlight: Phân tích các loại thoả thuận việc làm hợp lệ.
3. Thời gian chuẩn bị và nộp hồ sơ: tăng từ 60 ngày lên 90 ngày
4. Phạm vị áp dụng: Thay đổi áp dụng cho cách tính điểm trong hệ thống Express Entry và ảnh hưởng đến các chính sách xin định cư Canada theo chương trình Express Entry, bao gồm:
– Federal Skilled Worker Class
– Federal Skilled Trades Class
– Canadian Experience Class
Note: Các chương trình xin định cư của tỉnh bang (PNP) của Canada hầu hết không theo Express Entry của Federal và không bị ảnh hưởng trực tiếp từ những thay đổi này cho đến khi có thông báo cập nhật.
B. Phân tích sâu về các tác động của sự thay đổi của Express Entry:
B.0. Nhóm đối tượng ảnh hưởng:
a) Nhóm sinh viên và professionals đã và đang học tập và làm việc tại Canada:
Đây là nhóm đối tượng được hưởng lợi lớn nhất từ những thay đổi này. Tuy nhiên, trong nhóm này chia thành các nhóm nhỏ có lợi ích ở mức độ khác nhau (chia nhóm này không tương đương 100% với định nghĩa NOC level O, A & B):
– Nhóm skill level O (SL.O): Nhóm professionals đang làm việc cấp bậc quản lí cấp cao tại Canada;
– Nhóm skill level A (SL.A): Nhóm sinh viên tốt nghiệp đại học (3-4 năm), thạc sĩ (1-2 năm), tiến sĩ (4-5 năm) thường đào tạo tại trường đại học; Ngoài ra có bao gồm nhóm sinh viên cao đẳng hệ 3 năm (advanced diploma).
– Nhóm skill level B (SL.B): Nhóm sinh viên tốt nghiệp cao đẳng (2 năm) hoặc chứng chỉ postgrad (8-12-20 tháng).
b) Nhóm những người học tập và/hoặc có kinh nghiệm làm việc từ các nước ngoài Canada như Việt Nam, Mỹ, EU, Úc,…
Với thay đổi và cách tính điểm mới từ 19.11.2016, người xin định cư vào Canada từ ngoài Canada sẽ khó khăn hơn vì một số lớn hồ sơ của sinh viên và professionals trong Canada mạnh lên đáng kể.
B.1. Điểm cộng từ việc học tại Canada:
Cách tính điểm trong hệ thống Express Entry áp dụng trong thời gian 01.01.2015 – 19.11.2016 không có sự ưu tiên dành cho người học trong Canada. Tuy nhiên, theo cách tính điểm mới trong hệ thống Express Entry áp dụng từ 19.11.2016, người tốt nghiệp tại Canada sẽ được cộng thêm điểm so với bằng cấp cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ tương đương ở ngoài Canada.
Theo phân nhóm đã mô tả ở trên. Hai nhóm có liên quan và hưởng lợi lớn nhất trong vấn đề này là:
– Nhóm skill level A (SL.A): Người tốt nghiệp bậc đại học, thạc sĩ, hoặc tiến sĩ tại Canada sẽ được cộng thêm 30 điểm. Nói cách khác, người tốt nghiệp đại học tại Canada sẽ được cao hơn 30 điểm so với một người tương tự tốt nghiệp đại học ngoài Canada (VN, US, UK,EU,…).
– Nhóm skill level B (SL.B): Người tốt nghiệp cao đẳng hoặc chứng chỉ postgrad tại Canada sẽ được cộng thêm 15 điểm.
Chú ý: Vẫn có sự chênh lệch riêng về điểm tính giữa các chương trình học: Bậc cao đẳng 2 năm (diploma): 98 điểm so với bậc đại học hoặc cao đẳng 3 năm (advanced diploma): 120 điểm; thạc sĩ: 135 điểm.
Ví dụ: tính điểm riêng theo trình độ (với người độc thân)
– Người tốt nghiệp cao đẳng (2 năm) ngoài Canada: 98 điểm
– Người tốt nghiệp cao đẳng (2 năm) trong Canada: 98 + 15 = 113 điểm
– Người tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng 3 năm ngoài Canada: 120 điểm
– Người tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng 3 năm trong Canada: 120 + 30 = 150 điểm
– Người tốt nghiệp thạc sĩ ngoài Canada: 135 điểm
– Người tốt nghiệp thạc sĩ trong Canada: 135 + 30 = 165 điểm
Nếu đánh giá sâu hơn vào tác động của hai nhóm này, những sinh viên nhóm skill level A sẽ có lợi rất lớn còn nhóm skill level B chỉ có lợi gián tiếp. Nguyên nhân là số lượng sinh viên quốc tế nhóm skill level A, tức tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng tối thiểu 3 năm và thạc sĩ , là rất lớn trong khi quota của chương trình Express Entry + CEC/FSW có giới hạn. Như vậy có khả năng quota của chương trình Express Entry + CEC sẽ bị lấp đầy bởi các sinh viên nhóm skill level A, không đến lượt các sinh viên nhóm skill level B.
Ví dụ: Quota năm 2017 cho chương trình Express Entry + CEC/FSW/FST: 71,700 (official data) trong đó riêng của CEC khoảng 23,000 (2015 data) khi mà số sinh viên quốc tế nhóm skill level A: 117,000. Chênh lệch 37 điểm (đại học so với cao đẳng) hoặc 52 điểm (thạc sĩ so với cao đẳng) của các sinh viên nhóm skill level A đã chiếm hết chỗ của sinh viên nhóm skill level B. Ngoài ra còn phải kể đến nhóm lao động được cộng 50 điểm từ NAFTA vốn đa số có thể được cộng điểm không cao như nhóm skill level A nhưng cao hơn nhóm skill level B.
Dù sao việc tăng quota 22.8% của chương trình định cư thuộc Federal và dịch chuyển một số nhóm đối tượnng xin theo Express Entry + CEC/FSW sẽ giảm áp lức quá quota ở các chương trình định cư của tỉnh bang và những người điểm thấp hơn không đủ vượt qua CEC/FSW sẽ vẫn được hưởng lợi gián tiếp từ việc này khi các chương trình PNP của tỉnh bang vừa tăng quota vừa giảm số lượng hồ sơ nộp vào.
B.2. Điểm cộng từ việc làm tại Canada:
Cách tính điểm trong hệ thống Express Entry áp dụng trong thời gian 01.01.2015 – 19.11.2016, kinh nghiệm làm việc tại Canada được cộng khoảng 13-25-50 điểm khi kết hợp yếu tố ngoại ngữ CLB level 7 hoặc 9.
Trước 01.2015 ở thời điểm hệ thống Express Entry bắt đầu được áp dụng, sinh viên học tại Canada rất thuận lợi xin định cư lại Canada theo chương trình Canadian Experience Class (CEC). Tuy nhiên, sau 01.2015 khi hệ thống Express Entry được triển khai, khả năng sinh viên quốc tế xin định cư thành công qua hệ thống CEC giảm xuống đáng kể vì yêu cầu của hệ thống Express Entry (áp dụng từ 01.01.2015 đến 19.11.2016) yêu cầu job offer thoả điều kiện +600 điểm cần có Labor Market Impact Assessment (LMIA) vốn là một thủ tục rất khó xin được khi công ty phải chứng minh với cơ quan Employment and Social Development Canada (ESDC) không thể tuyển được người Canada cho vị trí công việc trước khi có thể tuyển người nước ngoài. Nếu không có LMIA và không được +600 điểm số điểm của hầu hết sinh viên tốt nghiệp tại Canada không đủ để xin theo diện CEC.
Nói cách khác, chỉ có những sinh viên tuổi dưới 29, tốt nghiệp đại học tại Canada, có tối thiểu 2-3 năm kinh nghiệm làm việc tại Canada sau khi tốt nghiệp và đạt tối đa điểm IELTS mới có cơ hội đủ điểm để xin định cư theo Express Entry + CEC trong hệ thống Express Entry áp dụng từ 0.1.01.2015 đến 19.11.2916. Khi thoả các điều kiện như vậy mới đạt khoảng 480 điểm. Cùng lúc đó, trong các lần rút thăm của CIC từ 05.2016 – 11.2016, đa số trường hợp yêu cầu trên 480 điểm và hai lần trong khoảng 472-475 điểm. Do vậy, đa số sinh viên học tại Canada chuyển hướng từ CEC sang xin định cư theo các chương trình PNP của tỉnh mình theo học và các chương trình này cũng có điều chỉnh và gia tăng.
Những sinh viên có chuyên ngành thuộc nhóm có nhu cầu cao và thiếu hụt nhân sự người Canada thì có cơ hội xin được LMIA giúp họ được +600 điểm và thừa điểm để xin định cư vào Canada theo hệ thống EE cũ. Tuy nhiên số này rất ít.
Theo những thay đổi sắp áp dụng vào 19.11.2016, một số công dân quốc tế tại Canada có việc làm hợp lệ có thể được hưởng lợi khi được cộng thêm 50 hoặc 200 điểm tuỳ cấp bậc công việc.
Đầu tiên, những người xin được việc hợp lệ ở vị trí quản lí cấp cao (NOC level OO) sẽ được cộng 200 điểm. Công việc cấp bậc quản lí cấp cao này khó khả thi cho nhóm sinh viên mới tốt nghiệp cao đẳng, đại học vì thường yêu cầu không chỉ bằng cấp cao, chứng chỉ nghề nghiệp mà còn nhiều kinh nghiệm làm việc, nhất là kinh nghiệm tại Canada hoặc thị trường tương đương ớ các nước phát triển.
Do đó, nhóm có khả năng đạt được 200 điểm này là nhóm professionals thuộc nhóm skill level O (SL.O) đã xin được Work Permit vào Canada làm việc ở vị trí quản lí cấp cao sau khi có nhiều kinh nghiệm ở nước ngoài. Cũng cần chú ý thêm rằng đa số trường hợp người đã vào Canada làm việc được dưới Work Permit đều đã phải xin được LMIA để xin Work Permit hoặc theo một số ngoại lệ miễn LMIA không phổ biến về ngành nghề, hoặc trong một số thoả thuận đặc biệt của Canada (Ví dụ: NAFTA).
Kế tiếp, số đông du học sinh tốt nghiệp tại Canada và được Post Graduation Work Permit (PGWP) để đi làm lên đến 3 năm tại Canada. Một số sinh viên trong nhóm này từ 19.11.2016 nếu có thể xin được việc làm hợp lệ và LMIA có thể được cộng thêm 50 điểm hoặc thậm chí 200 điểm với người có trình độ cao và kinh nghiệm trước đó.
Cuối cùng, điểm có thể được cộng thêm với một thiểu số người có job dưới các dạng thoả thuận đặc biệt như NAFTA hoặc Intra-company transfers. Tuy nhiên trường hợp này rất nhỏ và không phổ biến với người Việt.
Hiểu rõ về thoả thuận việc làm hợp lệ (Qualifying offer of arranged employment)
Đầu tiên, khái niệm “thoả thuận việc làm hợp lệ” để tính điểm cho chương trình Express Entry được đổi mới. Với những người có job offer hoặc đang làm việc, công việc đó được tính là “thoả thuận việc làm hợp lệ” để được cộng điểm trong hệ thống Express Entry là một trong các loại hình việc làm mô tả sau đây (1.1, 1.2, 1.3, 2.1, 2.2, hoặc 2.3):
Trường hợp 1: “Arranged employment” (thoả thuận việc làm)
Theo định nghĩa trong bộ luật IRPR. 82(1): Arranged employment là một lời mời làm việc trong các ngành nghề thuộc NOC level O, A, hoặc B từ một công ty không phải là Đại Sứ Quán, Lãnh Sự Quán và không thuộc danh sách các công ty được nêu tên trong mục 209.91(3).
Một arranged employment được gọi là hợp lệ khi thoả một trong 3 yêu cầu sau:
1.1. Candidate chưa có Work Permit và Đề xuất công việc (offer of employment) được hỗ trợ bởi positive LMIA.
1.2. Candidate đã có Work Permit hợp lệ; Đề xuất công việc đến từ một công ty được chỉ định trong Work Permit và Work Permit này được cấp dựa trên positive LMIA.
1.3 Candidate đã có Work Permit hợp lệ, Work Permit này được cấp từ một số trường hợp đặc biệt như mô tả trong IRPR 204(a) hoặc 204(c) hoặc 205. Ví dụ: hiệp định thương mại NAFTA. Candidate đã làm việc liên tục cho công ty được chỉ định trong Work Permit và tích luỹ tối thiểu 1 năm làm việc full-time (hoặc thời gian part-time tương đương) tại công ty đó.
Đánh giá: Với 3 khả năng trong trường hợp 1 này, hai khả năng đầu vẫn cần LMIA. Khả năng thứ 3 có thể xem là điểm mới trong thay đổi của Express Entry nhưng lại không hữu ích cho sinh viên Việt Nam mà chủ yếu cho nhóm đối tượng từ NAFTA có thể xin việc ở Canada (bao gồm Mỹ và Mexico) và một số ít đối tượng đặc biệt khác theo mô tả trong IRPR 205.
Trường hợp 2: Đề xuất việc làm full-time liên tục với tổng thời gian tối thiểu 1 năm từ ngày permanent resident visa được cấp trong một ngành nghề skilled trade theo định nghĩa ở phần IRPR 87.2(1) từ một hoặc hai công ty không phải là đại sứ quán hoặc lãnh sự quán và không thuộc danh sách các công ty được nêu tên trong mục từ 200(3)(h)(i) đến (iii).
Các ngành nghề skill trade bao gồm:
(a) Major Group 72, industrial, electrical and construction trades;
(b) Major Group 73, maintenance and equipment operation trades;
(c) Major Group 82, supervisors and technical occupations in natural resources, agriculture and related production;
(d) Major Group 92, processing, manufacturing and utilities supervisors and central control operators;
(e) Minor Group 632, chefs and cooks; and
(f) Minor Group 633, butchers and bakers.
Đề xuất việc làm được gọi là hợp lệ theo trường hợp 2 khi thoả một trong 3 yêu cầu sau:
2.1. Candidate chưa có Work Permit và Đề xuất công việc (offer of employment) được hỗ trợ bởi positive LMIA.
2.2. Candidate đã có Work Permit hợp lệ; Đề xuất công việc đến từ một hoặc hai công ty được chỉ định trong Work Permit và Work Permit này được cấp dựa trên positive LMIA. Candidate phải đang làm việc cho một trong hai công ty được chỉ định. Đề xuất việc làm cũng phải thuộc cùng nhóm skill trade.
2.3 Candidate đã có Work Permit hợp lệ, Work Permit này được cấp từ một số trường hợp đặc biệt như mô tả trong IRPR 204(a) hoặc 204(c) hoặc 205. Ví dụ: hiệp định thương mại NAFTA. Candidate đã làm việc liên tục cho công ty được chỉ định trong Work Permit và tích luỹ tối thiểu 1 năm làm việc full-time (hoặc thời gian part-time tương đương) tại công ty đó.
Đánh giá: Với 3 khả năng trong trường hợp 2 thì sinh viên Việt Nam cũng không được ích lợi lớn vì sinh viên Việt Nam đa số không thuộc nhóm có legal status để làm việc dạng skilled trades.
Note: Trong cả hai trường hợp và tất cả 6 khả năng kể trên, những người làm việc dưới legal status là Post-Graduation Work Permit và Work Permit cho Spouse của sinh viên quốc tế sẽ không được cộng điểm từ job nếu job không có LMIA. (Chi tiết sẽ được cập nhật thêm trong vấn đề này)
B.3. Thời gian chuẩn bị hồ sơ:
Thay đổi về thời gian không ảnh hưởng đến độ mạnh hồ sơ của sinh viên trong hoặc ngoài Canada mà giúp những người có đủ điểm và nhận được invitation có thêm thời gian chuẩn bị và nộp hồ sơ. Thời gian này tăng từ 60 ngày lên 90 ngày.
KẾT LUẬN
Sự thay đổi trong cách tính điểm của hệ thống Express Entry được áp dụng vào 19.11.2016 sẽ gia tăng khả năng xin định cư cho những bạn du học và làm việc tại Canada và giảm cơ hội của những bạn xin định cư từ ngoài Canada (trừ khối NAFTA). Nhóm được hưởng lợi lớn nhất là những người làm việc cấp quản lí bậc cao hoặc những sinh viên học các bậc học cao, bậc học càng cao càng có chênh lệch điểm lớn so với các bậc học thấp hơn và thuận lợi hơn khi xin định cư theo Express Entry. Việc cộng điểm cho loại hình việc làm không giúp ích nhiều sinh viên Việt Nam tại Canada vì Việt Nam không thuộc NAFTA và cũng không có các thoả thuận đặc biệt và phù hợp với Canada.
Cùng với sự tăng quota từ 47,800 lên 51,000 của các chương trình PNP, các chương trình định cư của Federal thông qua Express Entry cũng có quota tăng lên khoảng 22.8% từ 58,400 lên 71,700. Mặc dù chỉ một số ít sinh viên Việt Nam học và làm việc trong các ngành thuận lợi xin LMIA được hưởng lợi từ việc cộng điểm (50 hoặc 200) từ việc làm hợp lệ, việc cộng điểm từ bằng cấp học tại Canada cũng làm độ mạnh hồ sơ của du học sinh tăng lên đáng kể.
Ngoài nhóm professionals làm việc ở các vị trí cấp cao vốn không dành cho sinh viên mới tốt nghiệp, sinh viên Việt Nam vẫn có thể cạnh tranh với phần lớn những người từ NAFTA là nhóm chiếm đa số trong những người được cộng 50 . Người từ NAFTA được cộng 50 điểm từ việc làm nhưng thường sẽ không học tại Canada và không được cộng 15 hoặc 30 điểm từ bằng cấp Canada. Ngoài ra, các ngành nghề số đông người trong NAFTA có thể xin việc vào Canada là thuộc các nghề thiếu hụt nhân sự Canada và low skill hoặc skilled trades. Trình độ của nhóm chiếm số đông này phần nhiều là cao đẳng trở xuống. Như vậy vẫn có sự chênh lệch điểm cộng từ việc làm và bằng cấp.
Ví dụ:
– Sinh viên Việt Nam trình độ cao đẳng (hệ 2 năm) và không được cộng điểm từ job hợp lệ: 98 điểm từ bằng cao đẳng + 15 điểm bằng trong Canada = 113 điểm.
– Người khối NAFTA trình độ cao đẳng (hệ 2 năm) và có job hợp lệ: 98 điểm từ bằng cao đẳng ngoài Canada + 50 điểm từ job hợp lệ = 148 điểm.
– Sinh viên Việt Nam trình độ đại học và không được cộng điểm từ job hợp lệ: 120 điểm từ bằng đại học + 30 điểm bằng trong Canada = 150 điểm.
– Sinh viên Việt Nam trình độ thạc sĩ và không được cộng điểm từ job hợp lệ: 135 điểm từ bằng thạc sĩ + 30 điểm bằng trong Canada = 165 điểm.
Do đó cơ hội vẫn rất lớn cho nhóm du học sinh Việt Nam tốt nghiệp đại học, cao đẳng hệ 3 năm, thạc sĩ hoặc tiến sĩ tại Canada. Còn với nhóm du học sinh học cao đẳng hệ 2 năm dù được cộng 15 điểm nhưng sẽ bị áp đảo với cả hai nhóm sinh viên đại học hoặc nhóm lao động skilled trades từ NAFTA. Tuy nhiên, các chênh lệch nhỏ về điểm này có thể cải thiện thông qua ngoại ngữ. Việc đạt được các mốc CLB level 7 hoặc 9 cũng tăng điểm đáng kể cho hồ sơ Express Entry khi kết hợp với số năm kinh nghiệm làm việc.
Ngoài Express Entry, các chương trình PNP vẫn là những chương trình thích hợp nhất cho các du học sinh muốn xin định cư lại Canada.
Thông tin và số liệu cụ thể hơn sẽ được cập nhật thường xuyên tại www.duhoc.ca và Group Facebook “Viet Professionals in Canada”. Bài phân tích trên có thể được chia sẻ tự do trên Facebook. Nếu copy nội dung chia sẻ qua các kênh khác vui lòng ghi rõ nguồn tại Viet Professionals in Canada hoặc www.duhoc.ca