Myth: “Càng học cao càng khó xin việc???”
Đây là một nhận xét mang tính chất myth nhiều hơn là thực tế (fact). Hầu hết những người đưa ra nhận xét này đều không chứng minh được mà chỉ dựa vào cảm nhận cá nhân. Đa số chỉ nêu một vài ví dụ rồi đưa ra kết luận. Các trường hợp này chưa xét đến tính chính xác của kết luận, phương pháp suy luận đã mắc lỗi logic, tức suy luận từ một vài cá thể rồi kết luận cho số đông.
Bài phân tích này không xem nhẹ bậc giáo dục nào, không đánh giá thấp những người có trình độ thấp và ngược lại cũng không đánh giá cao những người có trình độ cao. Bài phân tích này nhằm đưa ra bức tranh thực tế và lợi ích của các bậc giáo dục.
Vấn đề trình độ và sự tương quan với triển vọng nghề nghiệp ở Canada thế nào? Một số tổ chức có các phân tích thống kê như sau.
A. Statistics Canada
Trong một thống kê thực hiện năm 2014, Bộ phận thống kê của Canada (Statistics Canada) cung cấp các con số thực tế trong giai đoạn 2004-2013. Theo thống kê này, những người có trình độ càng cao thì tỉ lệ thất nghiệp càng thấp. Gần nhất là trong năm 2013:
– Thạc sĩ & tiến sĩ: 4.5 %
– Đại học: 4.8%
– Cao đẳng: 5.7%
– Chứng chỉ nghề: 9.3%
– Trung học: 7.8% – 14.7%
Nguồn: Tỉ lệ thất nghiệp theo trình độ – Canada
So sánh với tình hình tại Mỹ, Bộ Lao Động Mỹ công bố thống kê năm 2013 về tỉ lệ thất nghiệp và mức lương trung bình (chính xác là median) như sau:
– Tiến sĩ : 2.2%, Lương: : 1623$ / tuần
– Professional Degree (Ví dụ: Y Dược, Luật): 2.3%, Lương: 1714$ / tuần
– Thạc sĩ: 3.4%; Lương: 1329$ / tuần
– Đại học: 4.0%; Lương 1108$ / tuần
– Associate’s Degree ( Chương trình bằng nghề 2 năm): 5.4%; Lương 777$ / tuần
– Cao đẳng: 7.0%; Lương 727$ / tuần
– Trung học: 7.5%; Lương: 651$ / tuần
– Dưới trung học: 11%; 472$ / tuần
Nguồn: Tỉ lệ thất nghiệp và thu nhập theo trình độ – USA
B. Canada Hearing Society (CHS)
CHS đăng tải phân tích “The Value of a Degree: Education, Employment, and Earnings in Canada” (19 trang)
Khung thời gian CHS thống kê là từ năm 1971-2005, độ tuổi của nhóm đối tượng được đánh giá là nhóm đối tượng trẻ từ 25-34 tuổi. Ngoài ra, CHS đánh giá mức độ tăng trưởng thất nghiệp chứ không dùng tỉ lệ thất nghiệp.
Kết luận đầu tiên trong phân tích của CHS là: Tỉ lệ thất nghiệp của những người có trình độ thấp tăng nhanh hơn những người có trình độ cao. Nói các khác, trình độ thấp hơn thì dễ thất nghiệp hơn trình độ cao.
– Nhóm 1: Thấp hơn trung học (Less than high school)
– Nhóm 2: Trung học / Chứng chỉ nghề (High school / trades certificate or diploma)
– Nhóm 3: Cao đẳng (Some post-secondary)
– Nhóm 4: Đại học (University Degree: Bachelor, Master, Ph.D)
(i) Nam (Male): Nhóm 1 = 7% > Nhóm 2 = 3.1% > Nhóm 3 = 1.8% > Nhóm 4 = 0.8%
(ii) Nữ (Female): Nhóm 1 = 5.8% > Nhóm 2 = 2.2% > Nhóm 3 = 1.8% > Nhóm 4 = 1.9%
Ngoài ra, trong phân tích của CHS có thể thấy lợi ích của giáo dục thông qua tính toán tỉ suất sinh lợi (Rate of Returns). Theo đó:
– Tỉ suất sinh lợi của giáo dục ngày càng tăng nhanh theo thời gian.
– Mặc dù chi phí giáo dục (học phí) gia tăng, tỉ suất sinh lợi tăng cao hơn.
– Đầu tư vào các bậc học cao hơn thì có lợi hơn về lâu dài.
Kết luận:
– Nâng cấp kĩ năng và kiến thức qua các bậc học cao hơn giúp tăng năng lực làm việc, tăng khả năng cạnh tranh trong thị trường lao động khó khăn, và giảm nguy cơ thất nghiệp. Tuy nhiên, không nên chạy theo bằng cấp mà cần chú trọng đến kĩ năng & chuyên môn sẽ được cải thiện.
– Theo học các bậc học cao mở ra cơ hội ở nhiều lĩnh vực mà yêu cầu chuyên môn, năng lực và trình độ cao. Những người theo học bậc cao không bị giới hạn xin các công việc dưới năng lực dành cho các bậc học thấp hơn. Từ góc độ nhà tuyển dụng, họ sẽ muốn tuyển người có thể làm công việc tốt nhất trong giới hạn chi phí cho phép.
– Đầu tư vào giáo dục là một trong các loại hình đầu tư sinh lợi cao nhất. Nên theo đuổi bậc học cao nhất trong khả năng của bản thân trong giới hạn tài chính cho phép. Học cao không hoàn toàn là nghiên cứu và lý thuyết. Rất nhiều kiến thức và kĩ năng nâng cao để giải quyết các vấn đề phức tạp chỉ xuất hiện ở các bậc học cao.